Mới phát hành

Trang chủ   |   Giới thiệu   |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Điểm bán   |   Thành viên   |   Site map

Huyền Chi - tác giả bí ẩn của ca từ Thuyền Viễn Xứ

Trong một tập sách in những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, ông có đưa vào một câu dưới bài Thuyền viễn xứ: “Huyền Chi, cô ở đâu?”. Đó cũng là câu hỏi của tôi khi nghe lại ca khúc đầy ắp cảm xúc này.

Huyền Chi là ai? Ít thông tin trên mạng cho biết cô là một cô gái phụ mẹ bán vải ở chợ Bến Thành. Cơ duyên nào khiến bài thơ của cô được nhạc sĩ danh tiếng Phạm Duy phổ nhạc?

Đầu năm 2016, tôi xem được những tấm ảnh của Huyền Chi và biết thêm nhiều thông tin về cô. Trong ảnh, Huyền Chi là một cô gái có nét đẹp của một diễn viên điện ảnh với dáng cao, cân đối và trắng trẻo. Cô gái ấy sinh ra ở vùng Tân Định, Sài Gòn, có lúc ra định cư tại Phan Thiết rồi quay về sống ở thành phố này tới nay.

Cô học tiếng Anh từ trước năm 1954 khi tiếng Pháp là ngoại ngữ phổ biến, đang được học hằng ngày ở các trường Tây tại Sài Gòn. Cô làm thơ khi còn rất trẻ, ra tập thơ duy nhất năm 18 tuổi rồi để thất lạc. Cô có một bài thơ được phổ thành ca khúc Thuyền viễn xứ của nhạc sĩ Phạm Duy dù chỉ gặp ông lần duy nhất trong đời.
Vợ chồng nhà thơ Huyền Chi

Bài thơ buồn của cô gái trẻ

Tôi gặp bà Hồ Thị Ngọc Bút tại quận 2, trước giờ bà dạy tiếng Anh tại nhà. Không thể nghĩ rằng bà đã 82 tuổi. Trước mặt tôi là một phụ nữ trắng trẻo, vóc dáng cao, 
khỏe mạnh.

Bà Ngọc Bút chính là nhà thơ Huyền Chi của những năm đầu thập niên 1950.

Đầu thập niên 1930 có một kỹ sư Hỏa xa (Ingénieur technique adjoint) tên là Hồ Văn Ánh, từng được đào tạo tại Pháp trong những khóa đầu tiên cho thuộc địa.

Năm 1940, ông làm giám đốc Hỏa xa các tỉnh Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang, có ngôi nhà riêng hai tầng khang trang ở Phan Thiết, một “wagon” riêng trên tàu hỏa đặc biệt cho gia đình tùy nghi sử dụng miễn phí.

Công việc của ông là tổ chức, đào tạo, kiểm soát và duy trì hệ thống Hỏa xa toàn quốc. Vì công việc, ông di chuyển và ở lại nhiều thành phố nên vợ ông lần lượt sinh sáu người con ở các nơi trên đường công tác.

Con gái út Ngọc Bút được sinh ra tại Sài Gòn khi ông làm việc tại đây. Khi ông đến Phan Thiết, Ngọc Bút được đi học tại Trường nữ tiểu học Phan Thiết.
Huyền Chi năm 16 tuổi

Cuộc sống đang êm đềm thì biến cố xảy ra, bà nội của cô ở quê nhà Bắc Ninh bệnh nặng. Đáng lẽ cả gia đình đều phải về, nhưng trong nhà có một người con cũng đang bị bệnh nên chỉ có ba cô và hai anh chị cô về Bắc trước.

Dự tính khi con bớt bệnh, mẹ cô sẽ dẫn tất cả về luôn. Không ngờ đó là lần cuối cùng cô gặp cha, rồi do bom đạn, loạn lạc, tản cư và cuối cùng là cuộc chia đôi đất nước khiến gia đình cô phân cách vĩnh viễn.

Mẹ cô mở sạp bán vải tại cửa Nam chợ Bến Thành để sinh sống. Cô ở với mẹ, vừa đi làm vừa đi học, vừa dọn hàng giúp mẹ.

Trong thời gian hai miền Bắc - Nam được tự do thông thương năm 1954, mẹ đã trở về Bắc với cha cô, nhưng bốn người con vẫn ở lại miền Nam vì lúc ấy ai cũng đã có công ăn việc làm và cô cũng sắp kết hôn.

Những năm tuổi nhỏ được theo cha mẹ về thăm quê mỗi năm và đi đây đi đó, Ngọc Bút có nhiều cảm xúc về quê hương xứ Bắc. Hơn nữa, sự phân ly, chia cắt gia đình quá sớm khi còn bé đã để lại một ấn tượng sâu trong lòng cô.

Vì vậy cô đã tưởng tượng ra một cuộc chia ly trên quê hương trước khi nó biến thành sự thật. Đó là lý do ra đời của bài thơ Thuyền viễn xứ.

Nhiều người hỏi: “Vì sao cô còn trẻ mà làm thơ buồn thế?”, cô trả lời: “Tôi tưởng tượng thôi mà!”. Nhưng thật ra nỗi đau âm ỉ trong lòng cô trong nhiều năm đã tạo nên những vần thơ ấy.

Huyền Chi, cô ở đâu?

Năm 1952, Ngọc Bút đến nhà in báo Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo, quận Nhứt xem tập thơ vừa in xong của mình. Tập thơ mang tên Cởi mở, gom lại 22 bài thơ do cô viết từ năm 16 tuổi.

Lúc đó tuy mới 18, cô đã tham gia biên tập thơ cho báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương và gia nhập nhóm thơ - văn - nhạc lấy tên là Chim Việt. Những bài thơ trong tập đã được đăng rải rác trên một số báo, cô dùng bút danh Khánh Ngọc, rồi sau đó là Huyền Chi.

Buổi đó, nhạc sĩ Phạm Duy vừa đến và được bà Đào, chủ nhà in, giới thiệu về cô. Phạm Duy khi ấy còn trẻ, mới 32 tuổi nhưng đã nổi tiếng.

Ông vừa đưa gia đình vào Nam và đang thu xếp cuộc sống ổn định ở quê hương mới cho gia đình. Biết cô vừa in xong tập thơ, ông mượn xem và xin cô một tập để nếu có bài nào hay thì xin được phổ thành ca khúc.

Một thời gian sau, cô nghe được ca khúc Thuyền viễn xứ do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ lục bát của cô trên sóng phát thanh và thấy ca khúc này được in thành tờ nhạc khổ lớn rất thịnh hành lúc đó của hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu. Trên bìa hai ấn phẩm này ghi rõ: Nhạc: Phạm Duy, ý thơ: Huyền Chi.

Đó là khoảng thời gian cô vừa lập gia đình với ông Trần Phụng Tường, giáo sư trung học. Cô rời khỏi công việc biên tập thơ, theo chồng về Phan Thiết. Cô hầu như không tiếp tục làm thơ, lo toan làm ăn, mở hiệu sách, dạy tiếng Anh và chăm sóc tới bảy người con. Có lần trong tờ giấy in ca khúc Thuyền viễn xứ, cô thấy lời nhắn của nhạc sĩ Phạm Duy: “Huyền Chi, cô ở đâu?”.

Thỉnh thoảng, cô vẫn nghe trên sóng phát thanh giọng hát Lệ Thu. Cô nhận thấy nhạc sĩ Phạm Duy rất tài tình, dùng ý bài thơ lục bát với nhịp điệu chậm rãi, đều đặn của cô viết thành một ca khúc đầy cảm xúc. Ông chắt lọc ngôn ngữ trong thơ, thêm thắt và tạo nên một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.

Năm 1975, bà Ngọc Bút cùng gia đình về lại Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn của bà và sống ở đây đến nay. Phu quân của bà đã tạ thế năm 2010 sau mười năm nằm một chỗ vì bệnh.

Trong khoảng thời gian này, bà được tin nhắn mong có cuộc gặp của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông hồi hương về Việt Nam, nhưng bà xin từ chối vì bận chăm sóc chồng. Sau đó, bà có nhận được khoản tiền tác quyền từ lời của ca khúc Thuyền viễn xứ từ nơi sở hữu tác quyền ca khúc này.

Đọc lại bài thơ Thuyền viễn xứ của bà Ngọc Bút, thấy thơ của một cô gái mới 16, 17 tuổi đã rất đằm sâu và mênh mang với giọng điệu và ngôn ngữ phóng khoáng:
“...Có thuyền viễn xứ Đà Giang / Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa / Hò ơi! Câu hát ngàn xưa / Ngân lên trong một chiều mưa xứ người / Đường về cố lý xa xôi / Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang / Sau mùa mưa gió phũ phàng / Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa / Lệ nhòa như nước sông Đà / Mái đầu sương tuyết lòng già mong con...”.

Gặp tài năng của nhạc sĩ Phạm Duy, lời trong ca khúc mang sắc thái khác: “Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người. Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa. Một lần qua dạt bến lau thưa. Hò ơi, giọng hát thiên thu. Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về...”.

Như một sự đồng điệu đồng cảm của người phổ nhạc. Có thể vì Phạm Duy cũng là một người xa xứ, khi đọc được bài thơ cũng là lúc ông vừa giã từ quê hương miền Bắc để trở thành cư dân của Sài Gòn, nơi ông có thời hoạt động âm nhạc sôi nổi nhất.

Đến nay, ca khúc này rất gắn bó với người Việt hải ngoại. Họ thấy mình trong đó, như vẫn đang đi trên con thuyền viễn xứ.
Phạm Công Luận (báo Tuổi Trẻ)
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170108/huyen-chi-tac-gia-bi-an-cua-ca-tu-thuyen-vien-xu/1248772.html

« Quay lại trang trước Số lần xem: 4148
Bản in   Gửi bạn bè
Phim truyện Việt Nam
  • Phương Nam Corporation
  • Phuong Nam Book
  • Nhà sách Phương Nam Online
  • Megastar Cineplex
  • E Book