Thông qua những tư liệu mà nhạc sĩ Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy, cung cấp có thể thấy Phạm Duy đã soạn lời cho rất nhiều thể loại, từ nhạc cổ điển, dân ca cho đến nhạc tân kỳ của Âu, Mỹ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Philippines, Do Thái, Mexico...
Bìa bản nhạc
Sầu (Tristesse) do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt
Nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu soạn lời bằng tiếng Việt từ khi ông mới khoảng 15, 20 tuổi. Khi mà các nghệ sĩ lúc bấy giờ chọn nhạc bình dân Pháp để soạn lời thì Phạm Duy đi một hướng khác, đó là nhạc cổ điển Âu - Mỹ. Và ông bắt đầu với những tác phẩm của Johann Strauss (người Áo) mà theo ông, nhạc valse của Johann Strauss tuy là nhạc cổ điển nhưng có bài được phổ biến dưới hình thức ca khúc phổ thông. Ngoài bài valse bất hủ là
Le beau Danube bleu (Dòng sông xanh), Johann Strauss có một bài valse khác cũng được nhiều người biết đến là
When we were young. Bài này được Phạm Duy viết lời Việt có tựa
Khúc hát thanh xuân cũng để “hát chơi trong đám bạn bè” với những ca từ tươi vui: “Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui/Có lứa đôi yêu nhau rồi hẹn rằng còn mãi không nguôi…”.
Trong tư liệu để lại, ông cho biết mình may mắn có một người anh đi du học 7 năm ở Pháp, khi về nước, người anh mang về nhiều đĩa hát là nhạc cổ điển. Theo lời ông: “Tôi đã nghe và đã thuộc lòng nhiều bài được coi như bất tử, chẳng hạn bài
Serenata (Chiều tà) của Toselli. Bản nhạc Ý này thì quá đẹp, lại có thêm lời tiếng Pháp rất hay. Tôi hát bài này từ khi mới 14, 15 tuổi nhưng mãi tới năm 1942 hay 1943 tôi mới soạn lời Việt: Lắng trầm tiếng chiều ngân/Nhạc dặt dìu ái ân/Người ôi! Nhớ mãi cung đàn/Năm tháng phai tàn/Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng…”. Phạm Duy cho biết sau này trong sáng tác, nếu ông hay nói đến những buổi chiều thì đó là vì ông bị ảnh hưởng bởi các bản mộ khúc, dạ khúc của các nhạc sĩ cổ điển.
“Thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì tôi là người Á Ðông”
Giai đoạn Phạm Duy bỏ nhà đi theo gánh hát rong (khoảng 1944 -1945), ông đánh guitare trong ban nhạc của gánh Ðức Huy - Charlot Miều. Thông thường, ban nhạc phải tấu nhạc trong lúc hạ màn và có khi phải đệm đàn cho tài tử đánh kiếm trên sân khấu... Lúc đó, ông được làm quen với loại nhạc khiêu vũ và soạn lời cho những bài như
La paloma, La cumparsita... Bài
La cumparsita là một bài nhạc tango không lời nổi tiếng trên thế giới của nhạc sĩ người Uruguay Gerardo Matos Rodríguez, và theo Phạm Duy: “Dù nó không phải là nhạc cổ điển nhưng tôi cũng cho vào mục này vì nó nằm trong dĩ vãng cổ điển của tôi và nó sẽ dẫn tới bài về tình kỹ nữ mà tôi soạn sau này có tên Vũ nữ thân gầy để ghi lại mối tình giang hồ giữa tôi và một vũ nữ: Ðàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi/Ðàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi/Ðàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai...”.
Năm 1949, ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng. Theo lời ông: “Vì Thái Thanh (em Thái Hằng) lúc đó còn bé lắm, thích hát nhạc cổ điển cho nên tôi soạn lời cho những bài
Dạ khúc - Serenade (Schubert),
Dòng sông xanh (Johann Strauss),
Sầu - Tristesse (Chopin)… để cho cả hai chị em hát”.
Back to Sorriento (Curtiss) cũng được ông đặt lời Việt trong giai đoạn này, với tựa đề
Trở về mái nhà xưa. Bài hát nói lên ước mơ được về với những điều bình thường nhất của mỗi người, và theo ông khi soạn lời Việt, bài ca nổi danh của Ý này đã được “thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì tôi là người Á Ðông”.
Bộ đôi CD nhạc cổ điển, dân ca quốc tế do cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời Việt đã được PNF sản xuất và phát hành
Năm 2013, nhân kỷ niệm một năm ngày mất của ông, Phương Nam Phim đã giới thiệu hai album nhạc cổ điển và dân ca quốc tế được Phạm Duy viết lời Việt, do các ca sĩ sau này, cũng là những giọng hát được ông đánh giá cao, thể hiện: Tấn Minh, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Hồng Vy, Ngọc Tuyền, Khánh Linh…
(http://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-ngoai-loi-viet-thoi-vang-bong-lang-tram-tieng-chieu-ngan-827497.html)