Tác phẩm thơ phổ nhạc lớn trong sự nghiệp Phạm Duy
Lần đầu tiên sau gần 20 năm ra đời, tác phẩm Trường ca Hàn mặc Tử (TCHMT) đã được Phương Nam Phim ra mắt khán giả tại quê nhà vào tuần qua. Album gồm 9 phân khúc là một tổ hợp những bài thơ Hàn Mặc Tử do Phạm Duy phổ nhạc.
TCHMT được bố cục làm ba phần mang tựa đề như sau : Tình quê, Trăng sao, Ave Maria. Mỗi phần gồm có ba phân khúc nhạc được phổ từ một bài thơ HMT, hoặc phổ từ sự tập hợp của một số trích đoạn thơ, có khi lại chỉ là phổ nhạc một trích đoạn trong một bài thơ. Album là tiếng hát của người nghệ sĩ về những ràng buộc của cuộc đời, là sự thăng hoa giữa những khổ đau và hạnh phúc của phận người thành âm nhạc và thơ. Ba phần của trường ca là ba dáng vẻ của cuộc đời được phả vào nghệ thuật, trong đó có tình yêu sôi nổi mà e ấp của một thời hoa niên lãng mạn, có những khổ nhục của một đời lận đận vì những dằn xóc khác nhau.
Con tim yêu thương bao la của người nghệ sĩ rung lên những nhịp điệu tình ca muôn vẻ của thơ tình. Nhạc sĩ Phạm Duy đã thể hiện khá đẹp những nét lớn của tình yêu trong thơ HMT: sự dâng hiến trọn tình, sự e ấp trộn lẫn với nỗi rạo rực, nỗi đắm say trước vẻ đẹp hiện thân của tình yêu. Tình yêu ấy đọng lại trong TCHMT là tình yêu ông dành cho đất nước quê hương là nơi bóng hình những người ông thương mến, là tình yêu ông dâng tặng vẻ đẹp nguyên trinh qua hình tượng Phượng Trì/sứ thần Gabriel/Ðức Bà.
Làm trường ca tốn nhiều công sức, tâm huyết để tạo nên nhưng lại kén người nghe. Điều thôi thúc ông viết Trường ca Hàn Mạc Tử là làm sao để giới thiệu nhạc Việt Nam ra thế giới bằng những công trình lớn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã bắt đầu tìm đề tài từ những thi sĩ lớn và phải mất vài năm, Phạm Duy mới hoàn thành bản trường ca gồm nhiều chương khúc, nói lên cuộc đời người thi sĩ mắc bệnh phong, có đức tin vào Đức mẹ và được lòng tin cứu rỗi, vượt qua những đau khổ để sáng tác những tác phẩm giá trị.
Trong kho tác phẩm đồ sộ của Phạm Duy, thơ phổ nhạc có một vai trò rất đáng kể. TCHMT là công trình thơ phổ nhạc rất khác với những bài trước đây thường chỉ là những đoản khúc hoàn chỉnh riêng rẽ. TCHMT không chỉ là một nỗ lực hiếm hoi của một nghệ sĩ nhằm diễn giải hành trình nghệ thuật của nhà thơ mà còn là một công trình biểu hiện qua thế giới âm thanh. Cho nên ý nghĩa của TCHMT sẽ không chỉ là đóng góp vào kho tàng nhạc phẩm vốn đã đồ sộ của Phạm Duy thêm một tác phẩm thơ phổ nhạc nữa mà còn là ở sự đồng cảm của hai tâm hồn nghệ sĩ trước phận người không thiếu gì điêu linh, khổ nhục.
TCHMT là một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nếu thơ phổ nhạc nói chung đã là một gạch nối đặc biệt giữa văn học và nghệ thuật âm nhạc thì TCHMT còn có ý nghĩa một phác họa chân dung của một nhà thơ bằng âm nhạc. Với nhạc sĩ Phạm Duy, đây là cả bước ngoặt cho âm nhạc của ông tại Việt Nam dù trước đó Trường ca Hàn Mặc Tử đã được mang đi biểu diễn khắp các nước Mỹ, sang Anh, Pháp, Đức…
« Quay lại trang trước | Số lần xem: 4149 |
|