GIAO HƯỞNG SỐ 2, RÊ TRƯỞNG, OP.36
Chương 1 bắt đầu nghiêm trang, diễn tả những trải nghiệm quá khứ, trước khi bùng nổ đầy kịch tính thể hiện tinh thần anh hùng đầy ý chí. Chương 2 mang tính trữ tình, không khí đồng quê yên ả và nên thơ. Nét nhạc gợi lên bức tranh sơn thủy đẹp lạ lùng với dòng sông Rhine chảy êm đềm giữa trưa hè. Bè dây êm ái hòa với một điệu nhảy miền quê hồn nhiên. Chương 3 đưa người xem ra khỏi sự yên ả đó để lọt vào một không gian mới, vui nhộn hơn để rồi sau đó tất cả cùng quay cuồng trong chương cuối. Chương 4 của Giao hưởng số 2 đã khiến những người cùng thời với Beethoven kinh ngạc bởi tính chất nhanh ồ ạt và sôi nổi của nhịp điệu, khí thế.
GIAO HƯỞNG SỐ 8, FA TRƯỞNG, OP. 93
Giao hưởng số 8 vẫn được gọi là “Bản giao hưởng nhỏ”, được coi như một quãng nghỉ của Beethoven trước khi dồn sức cho Giao hưởng số 9 kỳ vĩ. Với tác phẩm này, Beethoven sử dụng lối sáng tác thịnh hành từ giai đoạn trước đó, mang nhiều phong cách Haydn, trong sáng, rõ ràng và cân đối.
Chương 1 mộc mạc, vui tươi và yêu đời. Sự năng động mang phong cách Beethoven thể hiện chút ít ở phần phát triển. Chương 2 có nội dung hài hước, kể câu chuyện vui của riêng nhạc sĩ về người bạn đã phát minh ra máy đánh nhịp (metronome) với nét nhạc hồn nhiên, duyên dáng. Chủ đề chính vang lên trên nền nhịp điệu đều đặng của các hợp âm mô phỏng tiếng gõ của máy đánh nhịp. Chương 3 theo nhịp điệu menuet nhắc nhớ những âm điệu đồng quê. Chương 4 có chủ đề chính vui nhộn với những hình ảnh rực rỡ và vui tươi.